@chillbox.official

Hướng dẫn cách làm mâm cơm ngày Tết 3 miền: Đúng chuẩn dâu ngoan vợ hiền

mâm cơm ngày tết

Loading

Các chị dâu mới bơi vào đây đọc list mâm cơm ngày tết 3 miền để tết này trổ tài nhé :D:D:D

Không biết mọi người thế nào, chứ em lại rất thích ăn các món cổ truyền vào dịp Tết, kiểu bánh chưng, thịt đông, dưa hành… Ăn bánh chưng liền 7 ngày Tết không chán được luôn ấy. Tết có thể hiện đại và đổi mới đến đâu, thì em nghĩ chúng ta vẫn nên giữ gìn những giá trị cốt lõi, nhưng phong tục, tập quán rất đẹp của người Việt bao đời nay.
Mâm cơm cúng Tết – trước hết là để thành kính tỏ lòng biết ơn gia tiên, sau là để cả gia đình có dịp cũng ngồi xuống chuyện trò.

Trong những năm gần đây, ngày Tết ở đô thị có thể có thể nhiều món ăn mới như salad, lẩu, nướng… nhưng em nghĩ việc chuẩn bị một mâm cơm cổ truyền tươm tất vẫn là điều nên làm. Và thật ra là so với những món ăn hiện đại bây giờ, em thấy chính ra mâm cơm cổ truyền nhà mình lại là dễ làm ý chứ.

Ý nghĩa mâm cơm ngày Tết

mâm cơm ngày tết

Tưởng nhớ Ông bà Tổ tiên

Từ bao đời nay, mâm cơm ngày Tết luôn được xem là một nét đẹp trong văn hóa đón Tết của người Việt. Dẫu là gia đình giàu có, khá giả hay còn nhiều khó khăn, cũng luôn cố gắng chuẩn bị sao cho mâm cơm này được tươm tất, đủ đầy nhất.

Sở dĩ, trong văn hóa Tết Việt luôn có truyền thống cúng cơm, mời Ông bà Tổ tiên về nhà ăn Tết. Mâm cơm này với ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính của con cháu. Cũng như cầu nguyện cho Ông bà phù hộ gia đình có một năm mới nhiều sức khỏe, tài lộc, bình an và hạnh phúc.

Sau khi mâm cơm được dọn từ bàn thờ xuống, cả gia đình sẽ dùng bữa cùng nhau như một cách hưởng lộc từ Ông Bà.

@chillbox.official

Bữa cơm sum họp

Bữa cơm ngày Tết không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình có dịp ngồi lại với nhau. Đó là bữa cơm mang giá trị tinh thần và nhân văn vô cùng sâu sắc đối với người Việt. Sau một năm lo toan công việc, học hành thì bữa cơm ngày Tết chính là thời điểm để mọi người xích lại gần nhau hơn. Không chỉ đơn thuần là một bữa cơm gia đình mà mâm cơm ngày Tết còn là cơ hội để mọi người cùng chia sẻ với nhau bao niềm vui, nỗi buồn, khó khăn trong một năm qua và cùng gửi đến nhau những lời chúc phúc cho năm mới.

Bữa cơm ngày Tết đã để lại nhiều cảm xúc khó quên trong mỗi người con đất Việt. Mâm cơm ngày Tết là một bữa cơm mang ý nghĩa đặc biệt, là nơi để chúng ta đều hướng về, là tình thân và là những lời chúc tốt đẹp.

Thực ra theo mình hiểu trong phong tục người Việt, cụm từ “ăn Tết” để nói đến tất cả các công việc chuẩn bị cho các ngày đầu năm mới. Từ “ăn” trong cụm từ “ăn Tết” phần nào nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của mâm cơm Tết trong gia đình vào những dịp này.

Một mâm cỗ Tết luôn là trung tâm của ngôi nhà, là thứ tạo nên không khí Tết, và dù trên mâm cỗ Tết ấy là món gì của miền nào thì cũng đều có ý nghĩa kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau, và cũng kết nối những con người của hiện tại với ông bà tổ tiên, với cả các vị thánh thần nữa.

Mâm cơm ngày Tết cổ truyền theo từng vùng miền

Mâm cơm ngày Tết của người Việt luôn được chuẩn bị tươm tất, đủ đầy với nhiều món ăn truyền thống. Mỗi một món ăn ngày Tết đều có những ý nghĩa đẹp đẽ. Và tùy theo vùng miền sẽ có những nét đẹp văn hóa khác nhau. Nên mâm cơm ngày Tết cũng sẽ có những nét đặc trưng, những món ăn khác nhau.

Chị em tham khảo mâm cơm ngày Tết 3 miền, năm nay thử đổi vị đan xen các món xem sao nhé 😀

Mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc

Người Bắc vốn có tiếng là cầu kỳ, cẩn thận. Đặc biệt là trong ẩm thực, không chỉ là một bữa ăn ngon, mà còn phải trình bày đẹp mắt, cân bằng âm dương…

Một mâm thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, tứ quý và tứ phương. Nếu là mâm lớn thì 6  bát, 6 đĩa, tượng trưng cho phát lộc phát tài.

Mâm cơm Tết ở miền Bắc sẽ thường có các món:

Bánh chưng

món ăn ngày tết: bánh chưng

Chiếc bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho Đất. Được gói ghém cẩn thận bằng lá dong xanh mát. Bên trong là những hạt gạo được xem là hạt lộc mà Trời ban cho. Nhân gồm có đậu xanh và thịt heo, ngon nhất sẽ là thịt heo ba rọi (vừa có nạc, vừa có mỡ).

Mẹo bảo quản bánh chưng: Bánh chưng là thứ tồn tại lâu nhất trong tủ lạnh, có năm ra giêng rồi nhà mình vẫn chưa hết bánh chưng. Để bảo quản bánh chưng được lâu, bạn nên cho bánh chưng hút chân không vào ngăn đá, để 1-2 tháng thoải mái. Đến khi ăn bỏ ra luộc lại, bánh vẫn mềm và dền nhé.

Thịt đông, giò xào

món ăn ngày tết: thịt đông

Ngày Tết ở miền Bắc sẽ có không khí hơi se se lạnh. Nên món thịt đông được nhiều gia đình lựa chọn để thêm vào bữa cơm ngày Tết.

Thịt đông được chế biến từ chân giò heo, bì heo, cà rốt, mộc nhĩ,… được ninh nhừ sau đó đem ra ngoài trời để phơi sương. Dưới cái tiết trời se lạnh của miền Bắc vào những ngày Tết sẽ giúp món thịt được đông lại giống như thạch. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để giúp chúng đông lại nhanh hơn.

Mẹo bảo quản thịt đông:

  • Để bảo quản được lâu, bạn nên chia nhỏ thành những phần vừa đủ ăn, không để lẫn phần thịt đã sử dụng với thịt chưa sử dụng.
  • Bạn nên dùng màng bọc thực phẩm bọc kín hộp thịt đông chưa dùng đến để tránh tiếp xúc với không khí và để vào ngăn mát tủ lạnh.
  • Khi lấy thịt đông ra nên dùng liền, không để quá lâu, nên dùng trong 5 – 7 tiếng. Không nên bảo quản thịt đông trong ngăn đông tủ lạnh vì sẽ không ngon.

Gà luộc

mâm cơm ngày tết: gà luộc

Gà luộc luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết để dâng lên Ông bà Tổ tiên. Đặc biệt là trong mâm cơm ngày Tết của người Hà Nội, người ta sẽ lựa chọn con gà trống thiến để dâng lên Ông bà Tổ tiên.

Theo quan niệm xưa, gà còn mang 5 đức tính quý của một con người: Văn, Võ, Dũng, Trí, Nhân.

Khi gà được dâng lên bàn thờ sẽ được ngậm một bông hồng đỏ với mong muốn một năm mới nhiều sự may mắn, mang vận đỏ đến cho gia đình. 

Các chị nhớ là gà cúng thì phải là gà trống nhé 😀

Mẹo luộc gà ngon:

Cho gà vào nồi ngay khi nước còn lạnh, như vậy thịt sẽ chín dần từ ngoài vào trong. Nếu để nước sôi mới cho vào, gà khó chín đều, da sẽ nứt. Nếu là gà đông lạnh, cần để rã đông hoàn toàn rồi mới luộc. Còn không, chẳng những bạn phải luộc rất lâu và không biết khi nào thịt mới chín hẳn.

Xôi gấc

mâm cơm ngày tết: xôi gấc

Thông thường, trong mâm cúng ngày Tết của người miền Bắc, con gà trống luộc sẽ được đặt trên một đĩa xôi gấc. Màu đỏ của gấc khi được dâng lên bàn thờ sẽ mang một niềm tin, hy vọng cho năm mới đầy may mắn, tài lộc. Hơn nữa, xôi được làm từ gạo nếp, một loại lương thực gắn liền với nền văn hóa lúa nước của dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa. 

Mẹo đồ xôi gấc ngon dẻo

  • Để xôi được chín đều, bạn không nên đổ toàn bộ nếp vào chõ hay xửng hấp cùng một lúc. Thay vào đó, bạn cho từng nắm nhỏ vào. Chú ý để trống khoảng 4 – 6 lỗ nhỏ ở giữa để hơi nước được lan tỏa đều, khi đó xôi sẽ chín đều và không bị nhão ở lớp dưới mà khô ở lớp trên.
  • Khi cho nước vào nồi hấp, bạn không nên cho quá ít cũng không nên cho quá đầy. Lượng nước khoảng 1/3 nồi là hợp lý để hơi bốc lên vừa đủ, xôi khi chín sẽ rất ngon. Nếu nước đã cạn mà xôi chưa chín hẳn, bạn có thể châm thêm nước nữa.
  • Trường hợp nấu xôi bằng nồi cơm điện thì không cần đảo xôi nhiều lần vì sẽ khiến xôi bị nát.
  • Trong trường hợp xôi bị khô, bạn vẩy một ít nước ấm lên bề mặt xôi, sau đó dùng khăn mỏng sạch thấm nước và phủ lên mặt xôi, sau. Đậy nắp và hấp thêm khoảng 5 phút nữa là được.
  • Cuối cùng, nếu muốn xôi mềm hơn, bạn nên đồ xôi thành 2 lần. Lần thứ nhất khi xôi chín, bạn lấy xôi ra đĩa và chờ nguội. Khi xôi đã nguội, bạn cho xôi vào hấp tiếp lần 2.

Canh bóng thả

mâm cơm ngày tết: canh bóng thả

Nhiều người dân Hà Thành thường nói: “Cứ thấy canh bóng thả là thấy hương vị Tết”. Vì món canh này thường không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Hà Nội. Sở dĩ nó có cái tên bóng thả là do nguyên liệu chính là bì lợn được nướng phồng lên. Khi cho vào canh sẽ nổi lên như những chiếc bong bóng.

Dưa hành

dưa hành

Nhắc đến bánh chưng thì không thể thiếu món dưa hành vào dịp Tết. Hai món này có trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.

Ngoài ra, dưa hành còn được sử dụng phổ  biến như một món ăn kèm với bánh chưng và các món ăn nhiều dầu mỡ như: thịt đông, thịt kho tàu,… cho đỡ ngán.

Vị chua, cay nhẹ của dưa hành giúp kích thích vị giác. Ngoài ra, dưa hành vì được lên men nên cũng giúp dễ tiêu hóa trong những ngày Tết.

Mâm cơm ngày Tết miền Trung

Không cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy như mâm cơm miền Bắc hay hào sảng như mâm cơm miền Nam. Mâm cơm ngày Tết miền Trung thường sẽ giản dị, đơn giản hơn.

Các món ăn trong mâm cơm của người miền Trung tuy giản dị về nguyên liệu. Nhưng đâu đó lại toát lên vẻ cao sang nhờ vào những đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình.

Bò kho mật mía

mâm cơm ngày tết: bò kho mật mía

Món bò kho mật mía là món ăn ngày Tết được yêu thích và không thể thiếu. Món ăn này có sự đậm đà của bắp bò, ngọt ngào của mật mía và sự cay nồng của ớt, gừng mang đến nhiều tầng vị khi thưởng thức. 

Bò kho mật mía còn được dùng vào ngày Tết do mật mía giúp món ăn được bảo quản lâu, không bị ôi thiu. Hơn nữa, món bò kho mật mía này còn ngon hơn khi qua “hai lửa” nữa đấy.

Thịt heo ngâm mắm

thịt heo ngâm mắm

Đay là một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết miền Trung. Thịt heo ngâm mắm với mùi vị đậm đà, có thể dùng được trong 5 – 10 ngày.

Đặc biệt, thịt heo ngâm mắm khi ăn cùng với dưa mắm sẽ tạo ra được hương vị mà những người con miền Trung khi xa quê sẽ nhớ mãi.

Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết miền Trung cũng không thể thiếu vắng đi những món cuốn. Vì vậy, có thể chuẩn bị thêm các loại rau sống để cuốn với thịt heo ngâm mắm được thái mỏng nhé.

Bánh tét

mâm cơm ngày tết bánh tét

Bánh tét là món ăn không thể thiếu đối với người miền Trung vào ngày Tết. Gia đình người miền Trung nào cũng luôn cố gắng chuẩn bị vài ba đòn bánh tét để dâng hương lên bàn thờ ngày Tết, nguyện cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.

Nem chua, chả lụa

mâm cơm ngày tết: nem chua

Dĩa Nem chua, chả lụa thường xuất hiện trong mâm cúng ngày tết của miền Trung. Nem và chả sẽ có cách làm khác nhau. Tuy nhiên đều được làm từ thịt heo xay nhuyễn, cùng với các gia vị, tỏi, hành, ớt, lá đinh lăng.

Mâm cơm ngày Tết miền Nam

Chỉ cần nhìn qua mâm cơm ngày Tết miền Nam là đã thấy ngay sự ưu đãi của thiên nhiên, hoa ngọt trái lành suốt 4 mùa dành cho vùng đất phía Nam. Do các món ăn của người miền Nam thường rất đa dạng về nguyên liệu.

Mâm cơm này vừa mang sự phóng khoáng, hào sảng vừa mang một chút chất phác thật thà như chính con người miền Nam.

Các món ăn được nấu từ những sản vật có sẵn trong vườn nhà hay chỉ cần đánh bắt từ thiên nhiên. Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết miền Nam theo truyền thống sẽ có đủ ngũ vị: chua, cay, mặn, đắng để tượng trưng cho ngũ hành.

Bánh Tét

mâm cơm ngày tết bánh tét

Nếu như mâm cơm ngày Tết miền Bắc không thể thiếu đi món bánh chưng. Thì ở miền Nam sẽ không thể thiếu đi bánh Tét. Bánh Tét được gói bằng lá chuối. Bên trong có gạo nếp và nhân đậu xanh, thịt mỡ hoặc chuối chín.

Người dân miền Nam thường gói bánh tét trước vài ngày để vừa có thể dùng, vừa sử dụng để biếu cho chòm xóm để ăn lấy thảo.

Cả gia đình sẽ quây quần bên bếp lửa chuyện trò để đợi bánh chín. Và kèm theo đó là những tiếng nổ lách tách của củi đốt báo hiệu một năm mới đang cận kề.

Bánh tét còn rất ngon và dễ ăn, đôi khi những buổi sáng ngày Tết chỉ cần ăn một khoanh bánh tét cùng với dĩa thịt kho là thấy chắc bụng rồi. Tin chắc sẽ có đủ năng lượng cho một ngày đi chúc Tết dòng họ đấy nhé.

Nếu như trước kia bánh tét chỉ có nhân thịt mỡ, nhân đậu hay chuối. Thì ngày nay, bánh tét cũng được các bà, các mẹ chuẩn bị cầu kỳ hơn. Nhân với nhiều loại đầy mới lạ như trứng muối, vi cá,… Hay nhân được gói ghém cầu kỳ thành chữ Phúc, Lộc, Thọ, Vạn sự như ý,… vô cùng đẹp mắt.

Canh khổ qua

canh khổ qua
canh khổ qua hầm thịt;

Canh khổ qua là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết miền Nam. Trái khổ qua được dồn đầy ắp nhân thịt rồi hầm lên tạo nên vị thanh đạm cùng một chút đắng đắng. 

Và cũng như tên gọi của nó, người dân miền Nam luôn mong muốn cái khổ của năm cũ mau qua đi để chào đón những điều may mắn, tốt đẹp của năm mới.

Thịt kho tàu

Người dân miền Nam nấu món thịt kho tàu thêm vào mâm cơm ngày Tết để dâng lên bàn thờ với mong muốn một năm mới tròn vuông đủ đầy. Món thịt kho này còn tượng trưng cho đất trời. Thịt heo được sắc hình vuông tượng trưng cho Đất, hột vịt với hình tròn tượng trưng cho Trời.

Món thịt kho tàu nay tuy nghe có vẻ đơn giản, nhưng để chế biến được ngon, đậm đà cần phải có sự cẩn thận từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến chế biến.

Thịt heo phải là thịt ba rọi, vừa có nạc vừa có mỡ. Miếng thịt khi kho sẽ mềm mại và béo ngậy. Hơn nữa, món ăn này cần phải kho bằng nước dừa để mang đến sự ngọt ngào cho món ăn theo đúng khẩu vị của người miền Nam. 

Gà xé phay

gà xé phay

Nếu như trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc sẽ là gà luộc nguyên con thì miền Nam thường là gà xé phay trộn gỏi.

Món gỏi gà xé phay được chế biến vừa chua chua, ngọt ngọt cùng sự giòn sần sật của những loại rau trộn. Lát trên dĩa gỏi sẽ là vài lát ớt cay nồng để tăng vị, giúp kích thích vị giác hơn.

Củ kiệu, tôm khô

củ kiệu tôm khô

Tương tự món dưa hành, món củ kiệu cùng tôm khô sẽ là món ăn giảm ngấy trong mâm cơm ngày Tết miền Nam.

Sự chua chua, ngọt ngọt của củ kiệu khi kết hợp cùng với sự ngọt bùi của tôm khô sẽ tạo nên một hương vị hấp dẫn. Đặc biệt món ăn này cũng rất được lòng của Ông, của cha, chú khi nhấm nháp cùng ly rượu đế hay một lon bia rồi hàn huyên tâm sự. 

Xem thêm: Hướng dẫn cách dọn dẹp nhà cửa để chiêu tài rước lộc năm Quý Mão 2023

4 thoughts on “Hướng dẫn cách làm mâm cơm ngày Tết 3 miền: Đúng chuẩn dâu ngoan vợ hiền

  1. Pingback: Bật Mí 5 Bí Kíp Gói Bánh Chưng Vừa Dễ Vừa Ngon

  2. Pingback: Hướng Dẫn Cách Cắm Hoa Tết 2023 đón May Mắn Và Tài Lộc

  3. Pingback: Mách Bạn 7 ý Tưởng Trang Trí Nhà Cửa Ngày Tết Cực Kỳ độc đáo Không Thể Bỏ Qua. - Cachlam.info

  4. Pingback: Bí Quyết Chế Biến Món Ngon Lạ Miệng Từ "đồ ăn Thừa" Trong Tủ Lạnh Tết 2023 - Cachlam.info

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhanh